Người dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chăm sóc cây dược liệu. (Ảnh: MD). |
Từ lâu, Lào Cai được biết đến là địa bàn hội tụ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loại cây dược liệu. Từ những cây cỏ quen thuộc mọc tự nhiên trong rừng hay được mang về trồng trên nương, đồi, vườn nhà, việc phát triển cây dược liệu trước hết đã mang lại sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Được biết, từ năm 2011 trở lại đây, tỉnh Lào Cai đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng “mũi nhọn”, thay thế cây lúa, ngô để xóa nghèo bền vững. Với xu hướng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng , Lào Cai xác định dược liệu là lựa chọn phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương từng bước khôi phục, phát triển các loại cây dược liệu như: tam thất, atiso, chè dây, cây đương quy, cây xuyên khung… Qua đó, vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; đồng thời, gìn giữ, bảo tồn những nguồn gen quý, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng “mũi nhọn”, hướng đến nâng cao giá trị canh tác.
Chị Hà Thị Muôn ở thôn Phát, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn (Lào Cai) chia sẻ: “Trước đây, ít ai nghĩ các loại cây thuốc trồng quanh nhà lại bán được ra tiền. Từ khi thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu, gia đình tôi đã mở rộng diện tích, trồng theo quy hoạch…, nhờ vậy thu nhập đã được nâng cao”.
Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai hiện vào khoảng trên 3.900 ha (cây dược liệu hằng năm là trên 1.300ha, cây dược liệu lâu năm là trên 2.600ha). Thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt từ 120 – 150 triệu đồng/ha; trong đó, đặc biệt cây tam thất giá trị đạt trên 600 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh Lào Cai đã có 138 ha với 11 loại cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”; có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Việc chế biến, bảo quản được chú trọng đã giúp nâng cao giá trị kinh tế của các loại sản phẩm từ cây dược liệu.
Đặc biệt, điểm độc đáo trong phát triển cây dược liệu ở Lào Cai đó là phát triển cây dược liệu đã được gắn với phát triển du lịch, trên cơ sở các tiềm năng về cảnh quan, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức văn hóa bản địa. Cụ thể, Lào Cai có các khu, điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý thu hút lượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm. Tại các địa phương đều có đặc trưng văn hóa và bản sắc độc đáo, trong đó có tri thức về y học cổ truyền, y học dân gian, có nhiều cây hương liệu và món ăn có tác dụng chữa bệnh, có thể phát triển các tour du lịch tốt cho sức khỏe kết hợp trải nghiệm văn hóa.
Nổi bật là dịch vụ tắm lá thuốc của Cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) phục vụ du khách. Bà con đã sản xuất các loại thuốc tắm và làm dịch vụ du lịch liên quan đến tắm lá thuốc, nghỉ dưỡng; thu hái, sơ chế, chế biến các loại thuốc tắm đóng chai. Khách du lịch còn được tham quan, trải nghiệm quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến các loại cây dược liệu… Cách làm này đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thảo dược gắn với du lịch.
Ngoài ra, các sản phẩm từ thảo dược, những món ăn, bài thuốc quý của người dân địa phương cũng đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều sản phẩm thảo dược đặc trưng của Lào Cai được khách du lịch yêu mến và đánh giá cao như: cao atiso Sa Pa, chè dây, giảo cổ lam, tam thất…
Anh Trần Văn Đức, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi thực sự ấn tượng với bài thuốc tắm lá của bà con Dao đỏ. Được tham qua khu đồi trồng các loại dược liệu dùng trong bài thuốc đã mang lại cho tôi trải nghiệm đáng nhớ, giúp mọi người yên tâm về nguồn gốc nguyên liệu. Tôi cũng đã mua thuốc tắm đóng chai để người thân sử dụng thử”.
Cây đương quy đem lại nguồn thu ổn định cho người dân huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TN). |
Với quyết tâm đưa cây dược liệu trở thành cây trồng “mũi nhọn”, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND tỉnh Lào Cai cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển cây dược liệu tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là hướng đến phát triển dược liệu hàng hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị dược liệu thông qua các hoạt động du lịch.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả “kép” trong phát triển cây dược liệu, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân phát triển các loại cây dược liệu. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm cây dược liệu của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung.
Bám sát đặc điểm địa phương, Lào Cai cũng sẽ quan tâm xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cơ bản, nhận thức của người dân về du lịch. Về lâu dài, tỉnh sẽ từng bước phát triển đồng bộ từ trồng trọt, sơ chế, chế biến cây dược liệu gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm tạo ra giá trị gia tăng, từ đó khai thác hiệu quả nhất nguồn tài nguyên cây dược liệu của địa phương./.