[flexy_breadcrumb]

Xạ can có tác dụng gì

Xạ can

Tên tiếng Việt: Rẻ quạt, Xạ can, Lưỡi đồng

Tên khoa học: Belamcanda chinensis (L.) DC.

Tên đồng nghĩa: Ixia chinensis L.

Họ: Iridaceae (La đơn)

Công dụng: Viêm họng, ho, sưng amidan, sưng vú, tắc tia sữa, đại tiện không thông, đau bụng kinh (Thân rễ).

A. Mô tả cây

  • Cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 0,5-1m. Thân rễ mọc bò, phân nhiều nhánh. Thân ngắn bao bọc bởi những bẹ lá.
  • Lá hình dải, dài 30cm, rộng 2cm, gốc ốp lên nhau, đầu nhọn, gân song song, toàn bộ các lá xếp thành một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt.
  • Cụm hoa phân nhánh, dài 30-40cm; lá bắc dạng vảy, hoa có cuống dài, xếp trên nhánh như những tán đơn, màu cam điểm đốm tía; đài có răng nhỏ hình mũi mác; tràng có cánh rộng và dài hơn lá đài; nhị 3, đính ở gốc cánh hoa; bầu 3 ô.
  • Quả nang, hình trứng; hạt nhiều, màu đen bóng.
  • Mùa hoa quả: tháng 7-10.

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

Cây mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam. Có khi được trồng làm cảnh. Ngoài ra, còn mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin.

Thu hái:

  • Thân rễ thu hái vào mùa xuân hoặc mùa thu.
  • Rửa sạch, cắt bỏ rễ con phơi hay sấy khô, khi dùng, ngâm nước gạo một hai ngày cho mềm, thái mỏng phơi hay sấy khô mà dùng dần.

C. Thành phần hoá học 

Trong xạ can, người ta đã chiết ra được một chất glucozit gọi là belamcandin C24H24O12 và tectoridin C22H22O11.

Có tác giả còn tìm thấy một glucozit khác gọi là iridin C24H28O4và shekanin (xạ can tố) với hiệu suất 0,05%. Belamcandin thuỷ phân sẽ cho glucoza và belamcangenin. Tectoridin thuỷ phân sẽ cho glucoza và tectorigenin (có tinh thể hình phiến, độ chảy 227-230°C)

D. Tính vị

  • Tính vị: Theo tài liệu cổ, xạ can có vị đắng, tính hàn, hơi độc, vào hai kinh can và phế.
  • Tác dụng: thanh hỏa, giải độc, tán huyết, tiêu đờm. Dùng chữa yết hầu sưng đau, đờm nghẽn ở cổ họng.

E. Công dụng và liều dùng

Xạ can còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân.

Chủ yếu làm thuốc chữa viêm cổ họng, vùng amidan bị sưng mủ, đau cổ. Nói chung xạ can được coi là một vị thuốc quý chữa mọi bệnh về cổ họng.

  • Ngoài ra còn là một vị thuốc chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng vú tắc tia sữa, chữa kinh nguyệt đau đớn, thuốc lọc máu. Có nơi còn dùng chữa rắn cắn: Nhai nuốt lấy nước, bã đắp lên nơi rắn cắn.

Liều dùng:

Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc. Hoặc giã củ tươi 10-20g với vài hạt muối, vắt lấy nước, ngậm nuốt dần. Bã đắp ở ngoài.

Kiêng kỵ:

  • Người tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai không dùng được.

Đơn thuốc có xạ can 

  1. Chữa viêm họng: Xạ can 4g, kinh giới 16g: kim ngân, huyện sâm, sinh địa, mỗi vị 12g, bạc hà, cỏ nhọ nồi, tang bạch bì, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
  2. Chữa viêm họng, ho đờm: Xạ can, cam thảo dây hoặc mạch môn, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang
  3. Chữa viêm amidan cấp tính: Xạ can 6g; kim ngân hoa, cỏ nhọ nổi, bồ công anh, mỗi vị 16g; huyền sâm, sinh địa, sơn đậu căn, mỗi vị 12g; bạc hà, ngưu bàng tử, mỗi vị 8g, cát cánh 6g. Sắc uống ngày một thang.
  4. Chữa viêm amidan mạn tính: Xạ can 8g, huyền sâm 16g; sa sâm, mạch môn, tang bạch bì, ngưu tất, mỗi vị 12g; thăng ma 6g, cát cánh 4g. Sắc ngày 1 thang.
  5. Chữa hen phế quản thể hàn: Xạ can, tô tử, ma hoàng, bán hạ chế, hạnh nhân, bách bộ, thảo quả, mỗi vị 10g; cam thảo, quế chi, bồ kết, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
  6. Chữa hen phế quản thể nhiệt: Xạ can 10g, thạch cao 20g, đại táo 12g, hạnh nhân 10g, ma hoàng, tô tử, đình lịch tử, mỗi vị 8g, bán hạ chế 6g, gừng tươi 4g. Sắc uống ngày một thang.
  7. Chữa tắc cổ họng: Xạ can 4g, hoàng cầm, sinh cam thảo, cát cánh, mỗi vị 2g. Các vị tán nhỏ uống với nước đun sôi để nguội.
  8. Chữa sưng đau: Xạ can, lá cúc tần, mỗi vị 20g, lá thầu dầu tía 10g. Giã nhỏ với cơm nóng, nặn thành bánh đắp vào chỗ sưng đau, băng lại. Ngày làm hai lần.
  9. Chữa đại, tiểu tiện không thông, bụng báng: Xạ can (để sống) 12g, giã nát, hòa vào một chén nước, lọc bỏ bã uống mỗi ngày đến khi thấy lợi đại, tiểu tiện thì thôi.
  10. Chữa sốt rét: Xạ can 6g, tri mẫu 20g, sài hổ, ý dĩ sao, mạch môn, thanh hao, hoàng đằng, trần bì, bán hạ chế, chỉ xác, cam thảo nam, hoàng cầm, tô tử, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

Bài viết liên quan