fbpx
  1. Trang chủ
  2. /
  3. Tin tức dược liệu
  4. /
  5. Bài thuốc và món ăn cho người huyết áp thấp

Bài thuốc và món ăn cho người huyết áp thấp

Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó. Bệnh khá phổ biến hiện nay, thường có biểu hiện: mệt mỏi, thiếu tập trung, đau đầu, nhịp thở nhanh nông, mờ mắt, buồn nôn, da lạnh ẩm hoặc nhợt nhạt, cảm thấy hoa mắt chóng mặt khi đứng lâu, ngất (xỉu).

Bài thuốc và món ăn cho người huyết áp thấp 1

1. Triệu chứng huyết áp thấp phổ biến

Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt

Triệu chứng huyết áp thấp này thường xuất hiện vào những lúc bạn thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, ngồi bật dậy khi đang nằm, hoặc khi đứng trong nhiều giờ liền.

  • Khi đó bạn sẽ cảm thấy mọi vật thể như đang xoay tròn xung quanh và không thể kiểm soát được.
  • Nếu như gặp phải tình trạng này quá thường xuyên, bạn cần hết sức lưu ý.

Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng

Khi bị huyết áp thấp, phiền phức lớn nhất của bệnh nhân chính là chứng đau đầu. Cơn đau đầu sẽ nặng hơn sau mỗi lần não căng thẳng hoặc hoạt động thể lực nặng. Mỗi người có mức độ và tính chất đau đầu khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu. Có lúc đau ở mức độ nặng hơn, vừa đau vừa bị tê nhức.

Giảm tập trung

Khả năng tập trung kém cũng có thể ảnh hưởng bởi huyết áp của bạn. Vì khi cơ thể hạ huyết áp thì máu sẽ không đủ cung cấp đến não với như bình thường, từ đó khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường. Chính điều này là nguyên nhân gây cản trở khả năng tập trung ở người huyết áp thấp.

Mờ mắt

Những người bị huyết áp thấp nghiêm trọng, sẽ xuất hiện dấu hiệu mất thính giác, thị lực bị giảm làm mờ mắt. Tình trạng mờ mắt đột ngột có thể gây nguy hiểm nếu như bạn đang di chuyển trên đường. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bạn nên tìm một chỗ ngồi xuống và nghỉ ngơi, cho đến khi huyết áp và thị lực trở lại bình thường.

Buồn nôn

Cảm giác lợm giọng và buồn nôn là dấu hiệu khi huyết áp bị thấp. Biện pháp khắc phục hiệu quả là bạn nên nhấm nháp một ít nước chanh như vậy sẽ giảm cảm giác buồn nôn.

Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt

Khi huyết áp thấp, chân tay của bạn thường có cảm giác bị tê cóng và lạnh ở bên trong cơ thể. Nguyên nhân là do cơ thể bạn không thể duy trì việc tưới máu và cung cấp oxy đến da, gây giảm thân nhiệt. Trong trường hợp này, giải pháp khắc phục là bạn nên uống ngay một ít thức uống nóng để tạo nhiệt cho cơ thể.

Mệt mỏi

Dấu hiệu này thường xuất hiện vào buổi sáng, người bệnh thường cảm thấy tinh thần mệt mỏi, chân tay tê buồn rã rời không có sức sống. Nếu được nghỉ ngơi hoặc ngủ một giấc ngắn thì tình hình sẽ tốt hơn. Nhưng đến buổi chiều hoặc buổi tối cơ thể lại xuất hiện cảm giác mệt mỏi, mặc dù không phải vừa mới làm việc quá sức.

2. Cách phòng ngừa bệnh huyết áp thấp

Bài thuốc và món ăn cho người huyết áp thấp 2

Huyết áp thấp có thể đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc phù hợp. Do đó biện pháp bảo vệ sức khỏe khỏi bệnh huyết áp thấp hiệu quả nhất là phòng ngừa bệnh. Bạn có thể phòng ngừa bệnh huyết áp thấp bằng những cách sau đây:

Chế độ dinh dưỡng

  • Nên ăn mặn hơn người bình thường. Người bị huyết áp thấp nên ăn 10-15g muối mỗi ngày.
  • Ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mỳ…
  • Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi.

Một số thức ăn đồ uống có tác dụng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, gừng rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp.

  • Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô…
  • Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây ra huyết áp thấp. Ngoài ra uống nước cũng giúp tránh tình trạng mất nước. Tránh sử dụng đồ uống có cồn.

Về sinh hoạt

  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc (7-8h/ngày).
  • Người bị huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế, vì vậy khi ngồi dậy cần phải từ từ. Nằm ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
  • Nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng không được tắm quá lâu.
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể càng làm huyết áp hạ thêm.
  • Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng (10 – 15 phút/ngày) như đi bộ, cầu lông, bóng bàn Nên tránh các môn thể thao dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy, điền kinh. Tuy nhiên không nên hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ đang lên cao.

3. Sử dụng các dược liệu dân gian trong điều trị bệnh huyết áp thấp

Theo y học cổ truyền, huyết áp thấp thuộc phạm vi chứng huyễn vựng; nguyên nhân chủ yếu do tỳ hư, dương hư, khí huyết lưỡng hư… gây ra. Người bệnh thường có biểu hiện: hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, lưng lạnh, thân nhiệt thấp, kiểm tra huyết áp thấp hơn mức bình thường cả chỉ số tối đa và tối thiểu. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể:

Bài thuốc và món ăn cho người huyết áp thấp 3

Long nhãn là vị thuốc trị huyết áp thấp thể khí huyết lưỡng hư

Huyết áp thấp thể tỳ hư:

Người bệnh có biểu hiện lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, chân tay lạnh, hoa mắt chóng mặt, đau buốt đầu, đo huyết áp thấp hơn bình thường. Phép trị là bổ thổ kiện tỳ, nâng đỡ huyết áp.

Dùng một trong các bài:

Bài 1: hà thủ ô chế, đại táo, bán hạ chế, hậu phác, nhân sâm mỗi vị 10g; bạch truật, rễ đinh lăng, lá đắng, bạch biển đậu, đương quy, hạt sen mỗi vị 16g; sinh khương 8g, thần khúc 12g, cam thảo 12g. Sắc uống. Nếu bệnh nhân còn đại tiện lỏng, gia quế chi 8g, cao lương khương 10g.

Bài 2: bạch truật, ngấy hương, ngũ gia bì, rễ đinh lăng, hoài sơn, liên nhục mỗi vị 16g; đại táo, trần bì, hậu phác mỗi vị 10g; phòng sâm, đương quy, cam thảo mỗi vị 12g; phụ tử chế 4g, sinh khương 6g. Sắc uống.

Bài 3: đảng sâm 12g, chế phụ tử 6-8g (sắc trước), bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, nhục quế 6g, câu kỷ tử 12g, liên nhục 12g, bá tử nhân 12g, ích trí nhân 10g, toan táo nhân (sao) 20g, dạ giao đằng 12g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống.

Huyết áp thấp thể dương hư:

Người bệnh có biểu hiện lạnh lưng, bụng, lưng gối mỏi đau, hoa mắt chóng mặt, người gầy yếu, đại tiện lỏng; nam giới dễ bị di tinh hoạt tinh, xuất tinh sớm, dương sự yếu, huyết áp luôn thấp hơn bình thường. Phép trị: bổ dương khí, nâng đỡ huyết áp.

Dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng sâm, đương quy, bạch truật, hoài sơn, liên nhục mỗi vị 16g; hoàng kỳ (sao mật) 15g; quế, sinh khương, mỗi vị 8g; thiên niên kiện 10g; phá cố chỉ 6g; phụ tử chế 4g, cam thảo 12g. Sắc uống.

Bài 2: nhân sâm 10g, phụ tử chế 4g, quế chi 6g, cam thảo 15g, đại táo 10g; hà thủ ô chế, hoàng kỳ, ngũ gia bì mỗi vị 16g. Sắc uống.

Huyết áp thấp thể khí huyết lưỡng hư:

Người bệnh có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, người yếu mệt, đoản hơi, thường bị đau ngực khó thở, huyết áp thường xuyên thấp, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Phép trị: đại bổ khí huyết.

Dùng một trong các bài:

Bài 1: đương quy, thục địa, phòng sâm, đinh lăng, hà thủ ô chế mỗi vị 16g; sinh khương 8g; bạch linh, đại táo, trần bì mỗi vị 10g; hoàng kỳ, long nhãn, bạch truật, cam thảo mỗi vị 12g. Sắc uống. Uống 15-18 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ khoảng 1 tuần có thể dùng tiếp đợt 2.

Bài 2: bạch thược, kê huyết đằng, xuyên khung mỗi vị 12g; thục địa 15g; hà thủ ô chế, đương quy, đinh lăng, bạch truật mỗi vị 16g; tần giao, cam thảo, nhân sâm mỗi vị 10g; sinh khương 5g. Sắc uống.

Ngoài dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ trị bệnh.

Lá ngải cứu 1 nắm và 1 lòng đỏ trứng gà đánh đều, hấp cách thủy. Ngày ăn 1 lần, liên tục trong 20 ngày.

Hoặc: trứng gà tươi 1 quả, gừng tươi 1 nhánh, rửa sạch gừng thái lát, cho vào nồi, thêm một cốc nước lã và đun nhỏ lửa (lửa cháy riu riu) đến khi cạn nước sắc còn lại 1/3 cốc thì đập trứng gà vào và khuấy đều, đun tiếp trong 2 phút nữa là được. Ăn nóng. Ngày ăn 1 lần, liền trong 5 ngày.

Hằng ngày ăn các thực phẩm giàu protein như thịt bò, thịt lợn nạc, chim câu, chim cút, lòng đỏ trứng; cá thu, cá chim; các loại rau như rau ngót, bí đỏ, khoai tây, khoai lang…; hoa quả như mít, dứa, xoài, nhãn…; uống sữa, ăn phomat, cà phê, bánh ngọt hoặc mặn; không để bụng đói, các bữa ăn cách xa nhau quá.

Lưu ý:

  • Tránh các loại thức ăn dễ gây hạ huyết áp như: rau cải canh, bắp cải, cần tây, cần ta, măng, trứng vịt thịt vịt, nước dừa, cam, chuối tiêu, nước mát để tủ lạnh…
  • Làm việc điều độ, không quá sức, căng thẳng; rèn luyện thể lực hằng ngày. Sáng xoa mặt, tối xoa chân và ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ.

Bài viết liên quan